Đường dây nóng (0205) 3876887
Tìm kiếm

KINH NGHIỆM CỦA NHẬT BẢN VỀ XÂY DỰNG LUẬT CẤP THOÁT NƯỚC

Trong quá trình xây dựng Luật Cấp Thoát nước, Việt Nam có thể dựa trên các tiếp cận về môi trường, tài chính, phát triển đô thị và tài sản công.

Thực tế tại Nhật Bản…

Luật Thoát nước bao gồm 34 Điều, đề cập nhiều mặt để đáp ứng nhu cầu xã hội, xong tập trung vào quản lý và quản trị bốn khía cạnh: môi trường, tài chính, phát triển đô thị và tài sản công.

Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, tiến tới kiến tạo xã hội tuần hoàn và khắc phục tình trạng ngập úng thường xuyên tại các đô thị, chậm trễ cải thiện chất lượng nước tại các nguồn nước kín, Chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách cụ thể.

Hệ thống thoát nước ngầm khổng lồ tại ngoại ô thủ đô Tokyo. Hệ thống này là công trình thoát nước ngầm lớn nhất Thế giới và phải mất tới 17 năm để hoàn thành. Dự án bắt đầu từ năm 192, đưa vào hoạt động từ năm 2006 và chính thức được hoàn thành vào năm 2009. Khi không sử dụng điều tiết chống ngập, công trình được mở cửa cho khách vào tham quan.
Hệ thống thoát nước ngầm khổng lồ tại ngoại ô thủ đô Tokyo.

Trong phát triển đô thị, Nhật Bản cũng gặp phải những khó khăn trong quá trình thoát nước mưa và ngập lụt tại các đô thị. So với tình hình cách đây 30 – 40 năm, số trận mưa lớn trung bình hằng năm nhiều hơn khoảng 1,4 lần. Các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu rất cấp thiết. Do đó, Nhật Bản triển khai nhiều giải pháp chống ngập toàn thiện. Chính sách Quốc gia tại đất nước mặt trời mọc quy định, đối với các trận mưa lớn, chỉ áp dụng những giải pháp cứng (công trình lưu trữ và thấm nước mưa; rào cản lũ; bơm thoát nước) thì chưa đủ mà cần có các giải pháp mềm (kế hoạch kiểm soát nước mưa, diễn tập sơ tán, bản đồ cảnh báo nguy hiểm, hệ thống thông tin thoát nước mưa,…).

Năm 2021, Chính phủ Nhật Bản ban hành Luật mới “Phòng chống ngập theo lưu vực”. Luật mới này nhằm phòng chống thiên tai do nước bằng cách quy định các giải pháp toàn diện theo lưu vực sông.

Nhiều giải pháp trong các lĩnh vực (thoát nước, quy hoạch đô thị, công trình quản lý sông, đập) được quy định như thành lập Hội đồng liên ngành, thúc đẩy phát triển công trình trữ nước mưa của các đơn vị tư nhân…

Cùng với đó, Nhật Bản tăng cường quản lý môi trường nước, kiểm soát giếng chảy tràn CSO, tách dòng, xử lý khi thời tiết ẩm ướt. Căn cứ điều chỉnh “Pháp lệnh của Nội Các về thi hành Luật Thoát nước” năm 2024, và các hướng dẫn liên quan, Chính quyền địa phương phải tuân thủ các quy tắc sau: Chất lượng nước vào mùa ẩm ướt: 40 mg/l (tương đương BOD của nước mưa chảy tràn từ HT riêng); Bể CSO: phải lắp đặt song chắn; Một số thành phố tiến hành tách cống để cải thiện hệ thống cống chung.

Một khía cạnh khác cũng được Chính phủ Nhật Bản quan tâm chính là khía cạnh môi trường. Việc quản lý lưu vực sông và xử lý, tái sử dụng bùn phù hợp đặc biệt được chú trọng. Từ thực tế lượng phát thải khí nhà kính từ các công trình thoát nước xử lý nước thải là khoảng 6 triệu tấn CO2 trong năm 2018, tương đương với 0.6% tổng lượng phát thải tại Nhật Bản. Trong khi chỉ 24% bùn thải từ hệ thống thoát nước được sử dụng làm năng lượng, 10% làm phân bón. Nhật Bản đưa ra kế hoạch Cơ bản về sử dụng sinh khối, theo Quyết định Nội Các năm 2016.

Chính phủ Nhật Bản quy định đến năm 2025, 85% bùn thải thoát nước cần được tái sử dụng. Các nhà máy xử lý nước thải chuyển đổi trở thành “Trung tâm sử dụng sinh khối ở mỗi vùng”.

Đồng thời, về việc sửa đổi Luật Thoát nước năm 2015, Nhật Bản yêu cầu bắt buộc tất cả các nhà quản lý nước/xử lý nước thải phải nỗ lực để bùn thải được tái chế làm nhiên liệu hoặc phân bón.

Xét về khía cạnh tài sản công, cần quy định mức phạt, hệ thống tiền xử lý và hệ thống cơ sở dữ liệu. Quy định hình phạt (phạt tiền và phạt tù) đối với các hoạt động có thể làm hỏng các công trình thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống cơ sở dữ liệu và thông báo khánh thành.

Hình thức Hợp tác Công tư PPP có thể là một trong những lựa chọn để thúc đẩy đầu tư, nhưng cũng cần xem xét về cơ bản các công trình xử lý nước thải mang tính công cộng vào kinh doanh độc quyền.

 

Các hình thức tham gia khối tư nhân

Về việc tăng cường “Quản lý tài sản”, Nhật Bản dành sự quan tâm cho việc quản lý chiến lược cơ sở vật chất đang bị xuống cấp. Do hiện nay, tại đây có khoảng 3.000 – 4.000 đường xá bị hư hỏng do các đường ống nước bị vỡ. Chi phí để cải tạo phục hồi các công trình ngày càng tăng.

Giải pháp đặt ra là thiết lập cơ chế tuần hoàn quản lý lý tưởng kiểm tra theo kế hoạch và bảo dưỡng định kỳ là công việc bắt buộc quy định trong Luật Thoát nước sửa đổi năm 2015. Chính phủ trợ cấp cho Chính quyền địa phương để kiểm tra và bảo dưỡng dựa trên “Kế hoạch Quản lý tài sản địa phương”. Chính phủ chỉ đạo và đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển các công nghệ kiểm tra hiệu quả.

Mặt khác, tài sản mà Nhật Bản nhắc tới còn là hệ thống cơ sở dữ liệu. Hệ thống cơ sở dữ liệu thoát nước bắt buộc người dân đấu nối bằng việc xác định các điểm thoát nước, qua đó, dịch vụ thoát nước được thúc đẩy hiệu quả. Hơn nữa, bổ sung thêm thông tin mới liên quan đến cải tạo phục hồi hoặc xây dựng lại các công trình, nhà quản trị sẽ duy trì hiệu quả “Quản lý tài sản’. Điều này được quy định rõ trong Luật Thoát nước Nhật Bản, Điều 23 (Đăng ký hệ thống thoát nước công) Nhà quản trị (chính quyền địa phương) phải lập và lưu giữ sổ đăng ký hệ thống thoát nước công.

Ở Nhật, Hội Thoát nước Nhật Bản (JSWA) đóng vai trò thu thập và tổ chức dữ liệu các công trình thoát nước, xử lý nước thải. Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) cung cấp số liệu thống kê, dữ liệu thống kê và dữ liệu công trình thoát nước, xử lý nước thải trên website của JSWA.

JSWA cũng công bố “Thống kê thoát nước, xử lý nước thải” hàng năm có thu phí. Ai cũng có thể truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia các công trình thoát nước. Theo đó, thống kê bao gồm Danh sách các địa phương triển khai thoát nước; Tỷ lệ bao phủ ở mỗi thành phố; Chiều dài đường ống; NMXLNT với công suất, phương pháp xử lý, tình trạng xử lý nước thải và bùn thải; Giá dịch vụ thoát nước; Chi phí vận hành; Số nhân viên,…

Xây dựng Luật Cấp Thoát nước tại Việt Nam

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Bộ Luật về Cấp Thoát nước trong bối cảnh các quy định hiện hành đã không còn theo kịp sự phát triển của kinh tế xã hội. Đặc biệt, với khía cạnh thoát nước, mặc dù nhiều công trình thoát nước và xử lý nước thải được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Với mục tiêu xây dựng luật gắn liền với đời sống thực tiễn, góp phần vào sự phát triển lành mạnh của các đô thị, cải thiện sức khỏe cộng đồng,… Việt Nam cần cải thiện cơ chế chính sách về nguồn nhân lực trong khu vực công. Theo đó, Chính quyền Trung ương nên tăng số lượng cơ quan đơn vị và nhân sự. Các cơ quan đơn vị mới có thể hỗ trợ chính quyền địa phương tương tự như Cơ quan Thoát nước Nhật Bản (JS) có thể sẽ cần thiết tại Việt Nam.

Trong khái niệm chu trình của nước, hiện vẫn thiếu đầu tư và chưa quan tâm đến phục hồi nước và tài nguyên. Vì vậy, tăng đầu tư vào hạ tầng nước và thúc đẩy tái sử dụng nước và bùn thải là rất cần thiết. Tăng cường hợp tác, phối hợp các Bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Nông nghệp và Phát triển nông thôn,… là rất cần thiết.

Công tác phòng chống thiên tai và cải thiện tình trạng xuống cấp của các công trình Thoát nước mưa là một trong những vai trò chính của hệ thống thoát nước, Chính phủ nên ưu tiên cho vấn đề này hơn bao giờ hết. thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu và giới thiệu công nghệ mới để duy trì hoạt động hiệu quả của các công trình.

Đặc biệt, về hệ thống tài chính, thu mức giá dịch vụ phù hợp để các công ty nước hoặc đơn vị thoát nước có thể chủ động. Minh bạch trong dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải cũng là vấn đề quan tâm (có thể tiếp cận các dữ liệu).

Nguồn: Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam – Số 159 – Tháng 12 năm 2023