Đường dây nóng (0205) 3876887
Tìm kiếm

Cải cách ngành nước theo hướng bền vững

Trước những biến đổi bất thường của thời tiết và khí hậu, ngành Nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có nguy cơ khan hiếm nước sạch. Thực tế này đòi hỏi lời giải cụ thể cho bài toán cải cách chính sách nhằm hỗ trợ và phát triển ngành nước bền vững.

Nguyên nhân do đâu?

Khủng hoảng nước sạch xuất phát từ nhiều lý do và đòi hỏi sự đa dạng trong giải pháp. Hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam, tính trên cả thế giới có ít nhất 2 tỷ người sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm theo báo cáo mới đây  của diễn đàn UN-Water và Tổ chức Giáo dục, Khoa học  và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) thực hiện.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, vấn đề khan hiếm nước sạch chỉ là một trong những khó khăn đặt ra cho những người làm ngành nước. Soi chiếu vào thực tiễn ở Việt  Nam, còn đó nhiều nội dung cần được quan tâm:

Đầu tiên, về Luật Cấp Thoát Nước. Văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động Cấp Nước; Thoát Nước và xử lý nước thải là loại dịch vụ đặc biệt, là nhu cầu thiết yếu và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của  nhân dân mới đang được xây dựng và dự kiến đến 2025  mới được ban hành; Một số quy định trong các văn bản  pháp luật chưa được cập nhật, bổ sung, sửa đổi gây khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Trong đó, nhiều nội dung đặc biệt cần chú ý nhằm  bám sát đời sống thực tiễn. Về giá nước: Theo quy định tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP “ Giá nước sạch  phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản  xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước  sạch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn  vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước”. Mặc dù Bộ Tài chính đã ban hành điều chỉnh Thông tư số 44/2021/ TT-BTC hướng dẫn khung giá, nguyên tắc, phương pháp  xác định giá nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên giá nước  thực tế hiện nay ở nhiều nơi còn chưa được tính đủ các chi phí hoặc chưa cập nhật, bổ sung kịp thời  các chi phí phát sinh.

Bên cạnh đó, về giá dịch vụ xử lý nước thải và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Nghị định 80/2014/NĐ-CP quy định về giá dịch vụ thoát nước được xác định trên nguyên tắc tính  đúng tính đủ.

Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 (có hiệu lực từ 01/01/2017) về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải đã quy định “Mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Như vậy mức thu này quá thấp không khuyến khích người dân đấu nối vào hệ thống thoát nước và cũng không  khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống thoát nước. Hiện nay, giá dịch vụ được các địa phương chậm xây dựng và ban hành, hiện mới có khoảng 20/63  tỉnh thành phố ban hành giá dịch vụ thoát nước.

Đồng thời, các quy định việc xây dựng các công trình  đường ống cấp, thoát nước trong phạm vi đất dành cho đường bộ theo Luật GTĐB 2008 và các nghị định hướng dẫn có các quy định liên quan đến “Cam kết di chuyển  hoặc cải tạo công trình đúng tiến độ theo yêu cầu  của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền; Không được yêu cầu bồi thường và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, kinh phí liên quan…” trong khi các công trình cấp nước được xây dựng theo quy hoạch, gây khó khăn  cho các doanh nghiệp ngành nước khi hệ thống này đang hoạt động ổn định phải di dời theo yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ..

Thứ hai, Hiệu lực các văn bản pháp lý chưa cao, nhiều  quy định về ưu đãi hỗ trợ chưa được thực hiện; các quy  định về CPH và quản lý các doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn thiếu hoặc chưa hợp lý. Điều 31 Nghị định số  117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 quy định UBND hoặc cơ  quan được ủy quyền với doanh nghiệp thực hiện dịch vụ cấp nước ký kết Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước.  Tuy nhiên hình thức Thỏa thuận thể hiện tính pháp lý không cao, đồng thời không có chế tài đi kèm cho đến nay mới chỉ có số ít địa phương thực hiện ký kết Thỏa  thuận này. Nhiệm vụ đảm bảo cung cấp nước sạch phục  vụ sinh hoạt và đời sống của nhân dân là trách nhiệm của chính quyền địa phương, việc không ký kết này có thể tiềm ẩn rủi ro về an toàn trong cấp nước.

Thêm vào đó, nhiều cơ chế ưu đãi hỗ trợ được quy định trong các văn bản NĐ 19/2015 liên quan đến ưu  tiên bố trí quỹ đất, thuê đất, vai lãi suất; NĐ 59/2014 có liên quan đến chính sách khuyến khích xã hội hóa như thuế suất thu nhập doanh nghiệp… chưa được áp dụng rộng rãi.

Mặt khác, các quy định về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, chính sách liên quan đến nhà đầu tư chiến lược trong NĐ 126/2017 chưa hợp lý, thể hiện: Tiêu chí cùng ngành nghề với doanh nghiệp cổ phần hóa không được quan tâm, nặng về tiêu chí “có năng lực tài chính”; không rõ trách nhiệm cụ thể của nhà đầu tư chiến lược (bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược là doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp trong nước có liên doanh với doanh nghiệp nước  ngoài) đối với chiến lược phát triển doanh nghiệp sau cổ phần hóa; thiếu chế  tài xử lý khi nhà đầu tư chiến lược không thực  hiện hoặc vi phạm các cam kết của mình…

Quá trình cổ phần hóa đang tiến hành theo lộ trình  quy định. Tuy nhiên thiếu các văn bản quản lý các  doanh nghiệp sau cổ phần hóa đặc biệt các công cụ để ràng buộc trách nhiệm giữa các bên (đơn vị cung  cấp nước và chính quyền địa phương) trong việc bảo đảm cấp nước cho người dân. Mô hình quản lý vốn Nhà  nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa chưa được  nghiên cứu, ban hành.

Thứ ba, hệ thống các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ  thuật liên quan đến ngành CTN chưa bắt kịp yêu cầu và tình hình mới. Đó là các tiêu chuẩn thiết kế cấp nước, thoát nước theo hướng quản lý thông minh, bền  vững, các tiêu chuẩn vật tư thiết bị ngành nước hay việc thiếu công cụ kiểm tra, giám sát theo hướng thông minh hiện đại.

Thứ tư, lĩnh vực Thoát Nước và Xử lý Nước thải chưa  được quan tâm đúng mức trong khi tỷ lệ nước thải được xử lý đạt rất thấp, hầu hết xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của nhân dân;  việc đầu tư lại thiếu đồng bộ.

Đến nay, cả nước mới có 82 nhà máy xử lý nước thải  đô thị đã được xây dựng và đang hoạt động tại hơn 50 đô  thị/ 860 đô thị; Tổng công suất thiết kế là 1,466 triệu m3/ ngày nhưng công suất thực tế vận hành khoảng 670.000  m3/ngày ( đạt gần 50%) trong khi mới chỉ có 15% nước thải được xử lý. Đây là một nghịch lý do chỉ tập trung vào xây dựng công trình nhà máy xử lý nước thải, mà thiếu  đầu tư đồng bộ mạng lưới thu gom nước thải dẫn đến tình trạng nước thải không được thu gom đủ để dẫn về nhà máy xử lý nước thải và nhà máy hoạt động không hết công suất, cá biệt có những nhà máy xử lý nước thải xây dựng xong không có nước thải chảy đến.

Tỷ lệ bao phủ dịch vụ hệ thống thoát nước đô thị toàn quốc đạt khoảng 64% tại các đô thị có khoảng 70% hộ gia đình đấu nối vào  hệ thống thoát nước công cộng là hệ thống thoát nước  chung (không có hệ thống riêng cho thoát nước mưa);  90% hộ gia đình có bể tự hoại, chỉ khoảng 4% lượng  phân bùn được hút để xử lý. Bể tự hoại gia đình hầu hết  đều không được thiết kế và vận hành đúng kỹ thuật.

Vốn đầu tư vào lĩnh vực thu gom và xử lý nước thải tới nay hầu hết đều từ nguồn Ngân sách (Ngân sách và ODA). Dự kiến cần tới 8,3 tỷ Đô-la Mỹ để cung cấp đủ dịch vụ thoát nước cho khoảng 36 – 38 triệu người dân sống tại đô thị (tính theo dân số đô thị năm 2025) nhưng nguồn lực đầu tư thì rất hạn chế; Thực tế khó thu hút các nhà đầu tư tư nhân do thiếu cơ chế chính  hấp dẫn, thu hút đầu tư, vốn lớn, thời gian đầu tư dài  (đầu tư nhà máy xử lý nước thải chỉ 1 – 2 năm nhưng  mạng lưới thu gom nước thải các đô thị hiện hữu kéo  dài 10-15 năm thâm chí dài hơn, mà khó khăn nhất là  mức thu còn quá thấp…

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khác như: Tình trạng  thiếu cơ sở dữ liệu ngành nước thiếu, các tiêu chí và chỉ tiêu chưa đông bộ và còn có cách hiểu chưa thống  nhất; thiếu cơ sở pháp lý trong việc cung cấp, công bố  thông tin về ngành nước hay thiếu nguồn lực để đầu tư cũng là một trong những khía cạnh cần lưu ý.

“Gỡ rối” cải cách 

Để thúc đẩy sự phát triển ngành nước theo hướng  đảm bảo theo nhu cầu, an toàn và bền vững phải có những giải pháp đồng bộ và quan trọng nhất đó là xây dựng thể chế chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự  phát triển của ngành.

Trong đó, nhiệm vụ cần kíp là bắt tay xây dựng và hoàn thiện Luật Cấp Thoát Nước trên cơ sở nghiên cứu, rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm  pháp luật đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ và các  Nghị định hướng dẫn thực hiện. Từ đó, hình thành hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, bình đẳng để  thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành  nước phát triển theo hướng bền vững cũng như thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước,  quốc tế vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, các nhà lập pháp cũng cần sửa đổi bổ sung một số các chính sách liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành nước trong khi Luật chưa được ban hành như Nghị định 117/2007  sao cho phù hợp với thực tiễn về quản lý và phát triển đặc biệt lưu ý đến quy định về Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước và đề nghị chuyển sang hình thức Hợp đồng sản xuất và cung cấp nước sạch được ký kết giữa Chính quyền địa phương và đơn vị cung cấp dịch vụ cấp nước; các quy định liên quan đến quy hoạch cấp nước; giá nước; quản lý rủi ro, an ninh và an toàn trong hoạt động cấp nước.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện việc ký kết hợp đồng quản lý vận hành hệ thống Thoát nước và xử lý nước thải tại địa phương; Quy định cụ thể giá nước sạch…, Xây dựng và ban hành điều kiện năng lực đối với ngành nghề kinh doanh cung cấp nước sạch; Ban hành những qui định, hướng dẫn đối với hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh trong Cấp nước, Thoát nước và xử lý nước thải đối với Mô hình liên tỉnh/liên vùng đảm bảo An ninh an toàn và ứng phó BĐKH,…

Mặt khác, chú trọng nghiên cứu hoàn thiện nhằm ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế hệ thống các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến ngành cấp thoát nước cũng như tăng cường quản lý nhà nước đối với các Doanh nghiệp ngành nước sau cổ phần hóa,  ban hành “Điều kiện kinh doanh ngành nước” để đảm bảo lựa chọn đơn vị cung cấp các dịch vụ này đáp ứng những điều kiện cụ thể nhằm đảm bảo cho dịch vụ được thực hiện một cách an toàn, bền vững, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của cuộc sống người dân.

Cuối cùng, Tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất là trên các kênh giờ vàng của TV về tầm quan trọng về Cấp  nước, Thoát nước và xử lý chất thải đối với sức khỏe  cộng đồng.