Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào. Tuy nhiên, không chỉ các nông thông hay các vùng sâu vùng xa, ngay chính các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, vấn đề thiếu nước sạch vẫn luôn là bài toán hóc búa bấy lâu cần tìm ra lời giải.
Ngổn ngang nhiều bất cập
Nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của người dân. Tại Việt Nam, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nước máy hiện nay chỉ chiếm khoảng 52%, đặc biệt, tỷ lệ này ở thành thị là 84,2%, trong khi đó, tại nông thôn chỉ đạt 34,8%. Theo ước tính của UNICEF, Việt Nam có khoảng 52% trẻ em, tương đương với 17 triệu trẻ em chưa được sử dụng nước sạch. Thiếu nước sạch và vệ sinh kém được xem là nguyên nhân hàng đầu khiến 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Điều này xuất phát từ thực tế, quá trình đô thị hóa công nghiệp hóa diễn ra vô cùng mạnh mẽ đã kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó có nguồn nước. Mặt khác, việc quản lý, sử dụng công trình cấp nước chưa được giám sát chặt chẽ. Các đô thị trên toàn quốc thời gian gần đây vẫn để xảy ra nhiều sự cố cấp nước và bị động lúng túng trong quá trình khắc phục sửa chữa, gây khó khăn cho cộng đồng người tiêu dùng.
Ngoài ra, nhiều vấn đề nghiêm trọng của ngành nước hiện nay đang chịu sự quản lý chồng chéo của các luật như tài nguyên nước, thủy lợi, đầu tư,… làm cản trở đáng kể tới sự phát triển bền vững của ngành nước. Đơn cử như việc quản lý cấp nước đô thị và khu công nghiệp tại địa phương giao cho Sở Xây dựng, còn khu vực nông thôn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Điều này dẫn đến tình trạng đơn vị cấp nước đô thị không được cấp nước cho khu vực nông thôn và ngược lại. Mặc dù đơn vị có đủ năng lực cấp nước và rất gần nơi người dân đang sinh sống, làm cho người dân không có nước sạch để sử dụng.
Vì vậy lộ trình xây dựng Luật Cấp Thoát Nước là khung pháp lý cao nhất để điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực Cấp nước, Thoát nước và Xử lý nước thải ở Việt nam cấp bách hơn bao giờ hết. Hiện nay Bộ Xây dựng được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Cấp Thoát Nước đang tích cực phối hợp với các Bộ ngành có liên quan và Hội Cấp Thoát Nước Việt nam trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật.
Hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ
Hiện nay, nguồn Nước ở Việt Nam được điều tiết bởi nhiều bộ luật khác nhau như Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Bảo vệ môi trường;… nhưng còn thiếu hành lang pháp lý ở cấp Luật chuyên về ngành Nước. Chính bất cập này đã khiến cho ngành Nước gặp nhiều trở ngại trong hành trình hướng tới đích đến phát triển. Nghịch lý này lại một lần nữa đặt ra yêu cầu xây dựng, hoàn thiện bộ khung pháp lý đồng bộ, trong đó có việc xây dựng, điều chỉnh Luật Cấp Thoát nước Việt Nam.
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh: Luật Cấp Thoát nước quy định về điều tra cơ bản, định hướng, quy hoạch, đầu tư phát triển dịch vụ cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải khu đô thị, nông thôn và khu chức năng; quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải.
Thứ hai, về đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải trên lãnh thổ Việt Nam sẽ là đối tượng chính áp dụng thực hiện luật. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Thứ ba, Bộ Xây dựng nghiên cứu và đề xuất các nhóm chính sách đưa vào Luật nhằm đảm bảo tính thực tiễn, giải quyết vấn đề nước sạch của người dân. Bên cạnh nhóm chính sách về phát triển hệ thống cấp thoát nước đồng bộ; nâng cao hiệu quả quản lý vận hành chất lượng dịch vụ; dự thảo luật đặc biệt nhấn mạnh nhóm chính sách – Bảo đảm nguồn lực cho đầu tư và phát triển cấp, thoát nước.
Nhóm chính sách được xây dựng dựa trên mục tiêu: Huy động và tập trung các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; Bảo đảm tài chính cho hoạt động sản xuất, cung cấp nước sạch; hoạt động thoát nước và xử lý nước thải; Quản lý hiệu quả các nguồn thu từ hoạt động, dịch vụ cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.
Theo đó, để đảm bảo mục tiêu, dự thảo luật sẽ có những quy định cụ thể về việc huy động và tập trung các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải.
Quy định hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước nông thôn (công trình cấp nước nông thôn vùng sâu, vùng xa, hải đảo và vùng khó khăn nguồn nước) thông qua hỗ trợ đầu tư nguồn nước, đường ống truyền tải nước thô hoặc nước sạch. Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho công trình cấp, thoát nước thông qua miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế doanh nghiệp, miễn giảm lãi suất vay ngân hàng…;
Quy định nguồn lực tham gia đầu tư công trình thoát nước và xử lý nước thải từ Chính phủ, chính quyền địa phương và các nguồn lực khác; Quy định về xã hội hóa cấp, thoát nước, huy động các nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư, vận hành công trình cấp, thoát nước. Bên cạnh đó, chú trọng bảo đảm tài chính cho hoạt động sản xuất, cung cấp nước sạch; hoạt động thoát nước và xử lý nước thải.
Luật quy định nguyên tắc thu hồi chi phí đầu tư, vận hành công trình cấp nước; đối tượng được hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ giá nước sạch. Quy định về giá dịch vụ cấp nước. Quy định cơ chế ưu đãi đầu tư công trình cấp nước, hỗ trợ giá nước cho khu vực dân cư nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo vùng khó khăn về nguồn nước.
Quy định nguyên tắc thu hồi chi phí đầu tư, vận hành công trình thoát nước, xử lý nước thải; đối tượng được miễn giảm giá dịch vụ. Quy định về giá, lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải.
Quy định cơ chế ưu đãi đầu tư công trình thoát nước, hỗ trợ giá dịch vụ cho khu vực dân cư nông thôn nghèo, vùng sâu, vùng xa.
Quy định nguyên tắc phân bổ nguồn vốn nhà nước và các nguồn vốn khác cho các dự án đầu tư công trình thoát nước, xử lý nước thải.
Đồng thời, việc quản lý hiệu quả các nguồn thu từ hoạt động, dịch vụ cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải cũng được nhắc trong phần lớn dung lượng của dự thảo luật.
Song hành với nhóm chính sách đã đề cập ở trên, dự thảo luật cũng dành một phần dung lượng đề cập tới việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cấp, thoát nước.
Điều này xuất phát từ mong muốn bảo đảm vai trò quản lý nhà nước thống nhất và hiệu quả về hoạt động cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải từ trung ương đến địa phương. Phân công trách nhiệm cho Bộ ngành; trách nhiệm của UBND tỉnh về tổ chức quản lý, đầu tư phát triển cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải đáp ứng nhu cầu trên địa bàn. Cũng như nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, kiểm soát và quản lý rủi ro về hoạt động cấp nước sạch, xử lý nước thải khi huy động tư nhân tham gia đầu tư vận hành công trình cấp, thoát nước.
Trong đó, nhóm chính sách này quy định cụ thể về vấn đề quản lý nhà nước thống nhất và hiệu quả.
Quy định thống nhất quản lý cấp nước, phân công trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ ngành về quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải; tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho các địa phương; quy định UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, đầu tư phát triển cấp, thoát nước trên địa bàn đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ sức khỏe, môi trường sống của người dân.
Quy định việc thành lập cơ quan, tổ chức liên quan đến quản lý tài sản công trình cấp, thoát nước; Quy định việc ban hành cơ chế chính sách về hỗ trợ, kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư, vận hành công trình cấp, thoát nước.
Mặt khác, chú trọng việc nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, kiểm soát và quản lý rủi ro về hoạt động cấp nước sạch, xử lý nước thải:
Quy định các giải pháp bảo đảm an ninh nguồn cấp nước, xả nước thải; trách nhiệm, thẩm quyền cụ thể của các Bộ ngành, địa phương khi xảy ra rủi ro, sự cố liên quan đến chất lượng dịch vụ cấp nước sạch và ô nhiễm môi trường do nước thải; quy định về kiểm soát doanh nghiệp cấp, thoát nước sau cổ phần hóa, xã hội hóa bảo đảm an ninh cấp nước sinh hoạt và xả nước thải; quy định trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động cấp, thoát nước.